Những điều cần biết khi trẻ niềng răng

Đăng bởiKinCare Việt Nam vào lúc

niềng răng trẻ em

Nếu trẻ bị các vấn đề về răng miệng như răng mọc lệch, lệch khớp cắn… Hãy đến với nha sĩ để tư vấn chỉnh nha cho trẻ. Chỉnh nha cho trẻ sẽ cần các khí cụ như sau:

- Khâu chỉnh nha

- Mắc cài

- Dây cung

- Khung cố định đầu

- Dây chun

- Hàm duy trì

- Hàm chỉnh nha trong suốt

Kincare.vn sẽ cung cấp cho các bạn thông tin về những hình thức chỉnh nha phổ biến nhằm giúp bạn đưa ra quyết định tốt nhất cho con trẻ nhé.

Các thể loại niềng răng và khí cụ chỉnh nha

Hiện nay có rất nhiều khí cụ chỉnh nha được sử dụng. Nhưng niềng răng vẫn là khí cụ được sử dụng nhiều nhất trong việc nắn chỉnh răng ở trẻ em. Nguyên lý hoạt động của niềng răng chính là dùng một lực lên răng từ từ đưa răng về đúng vị trí mong muốn. Hiện nay, niềng răng không chỉ là những khí cụ đầy kim loại như trước nữa mà đã có nhiều lựa chọn mang tính thẩm mỹ hơn cho răng.

Mắc cài thường được làm từ những chất liệu như sau:

- Thép không rỉ

- Sứ

- Nhựa plastic

- Kết hợp của các chất liệu trên

Những chất liệu trên có thể tiệp với màu răng để không làm mất thẩm mỹ trong khi đeo niềng. Dây cung có thể được làm từ hợp chất niken-titan hoặc đồng-titan. Những loại chất liệu này sẽ ít phải căn chỉnh hơn so với chất liệu thép không rỉ.

Các hàm chỉnh nha trong suốt cũng được sử dụng ngày càng nhiều để chỉnh nha thay cho các loại khí cụ truyền thống. Hàm chỉnh nha trong suốt hoạt động bằng cách gắn vào hàm và tạo áp lực lên răng và di chuyển chúng từ về đúng vị trí theo khuôn răng có sẵn.

Các khỉ cụ chỉnh nha khác bao gồm:

+ Thiết bị neo tạm thời (TAD) là các ốc vít nhỏ có chiều dài từ 6 - 12 mm và đường kính 1.2 - 2 mm. Các vít này sẽ cố định vào xương trong miệng để cung cấp một điểm neo và từ đó dùng áp lực để di chuyển răng. TAD giúp kiểm soát việc di chuyển răng tốt hơn do đó chúng trở nên phổ biến hơn trong chỉnh nha.

+ Dây chun: dây chun được dùng khi cần nhiều lực hơn để di chuyển răng vào vị trí mong muốn. Dây chun thường có nhiều màu sắc. Nhiều trẻ em thích thay đổi màu sắc của dây chun theo ý thích của chúng.

+ Khung cố định đầu (Headgear): Có một số trường hợp cần đến việc sử dụng khung cố định đầu. Thiết bị được gắn vào niềng răng từ phía sau đầu và có thể tháo lắp. Khung cố định được dùng để trợ lực cho niềng răng. Khung cố định thường được dùng vào ban đêm trong khi ngủ hoặc khi ở nhà.

+ Hàm duy trì: Hàm duy trì được dùng để cố định răng sau khi tháo niềng. Bạn phải đeo hàm duy trì một thời gian để giữ cho răng cố định ở vị trí mới và ngăn không cho răng di chuyển. Hàm duy trì có nhiều loại: loại cố định đặt ở mặt sau của răng, loại hàm tháo lắp được, loại hàm làm từ nhựa plastic và dây kim loại, loại hàm làm từ cao su.

Khi nào thì con trẻ có thể nắn chỉnh răng?

Độ tuổi khám răng chỉnh nha lý tưởng của trẻ là tầm khoảng 7 tuổi. Ở lứa tuổi này, nha sĩ đã có thể phát hiện ra các vấn đề có thể phát sinh trên răng của trẻ như bị lệch hàm, lệch khớp cắn, răng mọc lệch, hô, móm… Hầu hết trẻ em sẽ bắt đầu chính thức thực hiện việc chỉnh nha ở khoảng 9-14 tuổi. Một khi đang ở tuổi phát triển, trẻ được khuyên là nên điều chỉnh các vấn đề răng miệng càng sớm càng tốt. Một khi chúng đã trưởng thành thì việc điều trị có thể mất nhiều thời gian và đòi hỏi nhiều kỹ thuật cũng như nhiều khâu chăm sóc răng miệng hơn.

Không có độ tuổi định sẵn khi trẻ em cần chỉnh nha. Kế hoạch điều trị sẽ phụ thuộc vào nhu cầu cá nhân. Ví dụ, trẻ em bị hở hàm ếch có dụng cụ chỉnh nha trước khi răng đầu tiên mọc lên. Một số trẻ có thể bắt đầu điều trị từ lúc 6 - 7 tuổi, ngay cả khi chúng chưa mất hết răng sữa. Mục tiêu của việc điều trị sớm là để ngăn ngừa các vấn đề tiếp tục phát triển và tạo điều kiện tốt cho răng vĩnh viễn mọc lên và phát triển tốt hơn.

Niềng răng có đau không?

Niềng răng sẽ khiến cho trẻ cảm thấy khó chịu. Đặc biệt là vào lúc mới gắn niềng, khi điều chỉnh hoặc khi phải gắn thêm các khí cụ như vít, dây chun, khung cố định. Bằng việc dùng thuốc acetaminophen, trẻ có thể giảm các triệu chứng đau nhứt khó chịu. Ngoài ra, nếu dây cung, mắc cài làm tổn thương niêm mạc miệng của trẻ, nha sĩ sẽ chỉ định cho con bạn sử dụng sáp nha khoa bao bọc quanh vùng khí cụ sắc bén nhằm bảo vệ niêm mạc.

Có xảy ra vấn đề dị ứng với niềng răng?

Điều này có thể xảy ra. Ví dụ như có một số người dị ứng với niken. Khi điều này xảy ra, các chất liệu khác sẽ được dùng để thay thế. Có người sẽ bị dị ứng bởi các loại găng tay cao su của nha sĩ. Nếu con trẻ bị dị ứng với Latex thì hãy nói với nha sĩ để họ sử dụng găng tay không latex trong khi điều trị cho trẻ. Niềng răng đôi khi có thể gây kích ứng nướu, làm trẻ bị sưng nướu. Mặc dù đây không phải là phản ứng dị ứng nhưng phụ huynh cũng nên theo dõi.

Những loại thực phẩm mà trẻ niềng răng cần phải hạn chế

Niềng răng là cả một quá trình điều chỉnh hết sức tinh tế. Do đó, nếu thiết bị chỉnh nha gặp vấn đề thì có thể dẫn răng đi sai hướng và việc điều trị sẽ diễn ra lâu hơn dự kiến. Con trẻ có thể bảo vệ niềng răng bằng việc không nên ăn bất cứ thực phẩm nào cứng., dính, hoặc kẹo cao su, chẳng hạn như các thực phẩm sau:

- Đá

- Các loại đậu và hạt

- Bắp rang

- Kẹo cứng

- Kẹo cao su

- Kẹo mềm

- Các thể loại kẹo và thực phẩm nhai nhiều

Trẻ phải đeo niềng trong bao lâu?

Thời gian đeo niềng của mỗi trẻ sẽ khác nhau. Nó phụ thuộc vào sự chăm sóc răng miệng trong thời gian chỉnh nha và sự phát triển của trẻ trong thời gian đeo niềng. Thông thường, hầu hết trẻ em sẽ phải đeo niềng từ 18 đến 36 tháng.

Trẻ sẽ phải đeo hàm duy trì trong bao lâu?

Việc đeo hàm duy trì sẽ phải kéo dài rất lâu, đặc biệt là ở trẻ đang phát triển. Tùy trường hợp mà nha sĩ sẽ khuyên nên đeo trong thời gian bao lâu, hoặc có khi trẻ sẽ phải đeo đến tận tuổi trưởng thành. Việc đeo hàm duy trì sẽ giúp cho răng theo đúng hướng trong suốt quá trình phát triển của trẻ.


Bài viết cũ Bài viết mới


Tags liên quan

0 bình luận

Bình luận

Chú ý , bình luận cần được duyệt trước khi đăng