Niềng răng cần biết những gì?

Đăng bởiĐoàn Thị Xuân vào lúc

Thời gian gần đây, giới trẻ có xu hướng quan tâm và chăm sóc sức khỏe nhiều hơn. Đặc biệt là quan tâm đến việc chăm sóc răng miệng, cải thiện nụ cười. Niềng răng là một trong nhiều biện pháp được lựa chọn. Tuy nhiên, quá trình niềng răng diễn ra khá lâu, có khi hơn 2 năm. Một khi đã quyết định niềng răng thì phải theo đến cùng. Vì thế, để chuẩn bị đầy đủ hành trang cho bạn trong quá trình lấy lại vẻ đêp và sức khỏe răng miệng, KinCare gửi đến bạn những thông tin cần biết dưới đây trong khi chỉnh nha.

I - Giai đoạn tìm hiểu, chuẩn bị

  1. Lựa chọn phòng nha phù hợp

Với những bạn đang có ý định chỉnh nha thì nên tìm hiểu thông tin các phòng nha từ các nguồn như mạng xã hội, các thông tin chính thức từ các website thông tin, tìm hiểu những kiến thức căn bản về chỉnh nha hoặc hỏi bạn bè người thân, các nha khoa, nha sĩ, bác sĩ uy tín trong ngành để hiểu thật rõ những vấn đề mà bản thân sắp phải trải qua.

  1. Lựa chọn bác sĩ uy tín

Ở các nha khoa lớn hay bệnh viện, bệnh nhân thường được giới thiệu đến một bác sĩ nào đó - sẽ không có gì là chắc chắn nếu bạn chưa chứng kiến những case thành công của bác sĩ đó. Bạn hãy chịu khó tìm hiểu thông tin về các trường hợp điều trị cho bệnh nhân chỉnh nha trước đây của vị bác sĩ đó nhé. Đây là quyền lợi của bạn!

chinh-nha

Thông thường sẽ có một bác sĩ chính đảm nhiệm và đưa ra phương án điều trị. Những việc phụ trợ như lấy dấu, cạo rôi, trám răng… có thể do nha tá thực hiện. Bạn phải chắc chắn rằng việc chữa trị chính thức là do vị bác sĩ chính phụ trách và theo dõi xuyên suốt trong quá trình điều trị. Vì nếu thay đổi bác sĩ điều trị chính thì chưa chắc bác sĩ sau thực hiện đúng như phương án điều trị của bác sĩ trước.

  1. Tìm hiểu và nhận tư vấn từ các chuyên gia

Trước khi chỉnh nha, bạn nên tìm hiểu kỹ về tình trạng răng miệng của bản thân và tiếp nhận tư vấn nhiều hơn từ các chuyên gia răng miệng, đặc biệt là các chuyên gia đã có kinh nghiệm nhiều trong việc chỉnh nha để hiểu rõ hơn về phương án điều trị cho trường hợp của mình. Ngoài ra, bạn còn phải tìm hiểu về phương pháp, thái độ và chi phí điều trị… phù hợp cho trường hợp của mình nhằm mục đích có được kết quả điều trị ưng ý nhé.

  1. Chi phí điều trị và chăm sóc răng chỉnh nha

Theo thông tin từ nhiều nguồn trên các diễn đàn và mạng xã hội thì chi phí điều trị ở Hà Nội thường đắt hơn rất nhiều so với chi phí ở phía Nam (chủ yếu là ở thành phố Hồ Chí Minh). Còn chi phí cụ thể thế nào thì các bạn nên hỏi trực tiếp các phòng khám.

Một số điều bạn cần lưu ý khi đặt câu hỏi cho phòng khám trước khi quyết định điều trị:

- Chi phí điều trị có bao gồm nhổ răng hay không (nhổ răng chỉnh nha, răng khôn...)?

- Chi phí có bao gồm tiền lấy mẫu hàm, cạo vôi... hay không?

- Tiền vis, mắc cài hư… tính thế nào?

- Việc chi trả thế nào: 1 lần / n lần / đợt / đặt cọc bao nhiêu?

II - Giai đoạn điều trị

  1. Đi khám lâm sàng

- Chuẩn bị phim pano và cepha.

- Đặt lịch hẹn với bác sĩ hoặc phòng khám.

- Một số nơi có thu tiền lấy dấu mẫu hàm, tiền tư vấn…

  1. Vấn đề nhổ răng

- Một số trường hợp bác sĩ sẽ không thực hiện việc này. Tuy nhiên, hầu hết là có nhổ răng, thường là răng R4.

- Trong quá trình chỉnh nha, bác sĩ có thể yêu cầu nhổ thêm răng khôn nếu thấy nó có ảnh hưởng đến các răng còn lại.

- Răng nanh có vị trí vô cùng quan trọng trong chỉnh nha nên các bác sĩ hiếm khi nhổ răng này.

  1. Thời gian chỉnh nha

- Thời gian đầu mọi người sẽ hay gặp vấn đề sau: 

+ Tụt cân: do lúc mới đeo mắc cài, răng bị đau, khó chịu khiến bạn không thể ăn uống như thường ngày được, bạn chỉ có thể ăn những khẩu phần với thức ăn mềm, lỏng như cháo, soup, sữa, nước hoa quả… Đến khi bạn đã quen với dây cung, mắc cài trong miệng thì việc ăn uống sẽ diễn ra bình thường ngoại trừ các món ăn quá cứng, quá dai.

sụt cân khi niềng răng

+ Chịu đựng những cơn đau và ê buốt do tách kẽ và khâu trong giai đoạn đầu. Đặc biệt, việc tách kẽ sẽ vô cùng khó chịu đối với những bạn nào có răng khít.

+ Khô môi, khô miệng - Bạn nên khắc phục bằng cách dùng son dưỡng ẩm và uống nhiều nước.

+ Bạn sẽ trở nên lo lắng mỗi ngày do không thấy hiệu quả chỉnh nha ngay lập tức. Vấn đề này thì các bạn đang niềng răng phải kiên trì nhé. Vì răng không thể thẳng hàng đều đặn trong 1 - 2 ngày được mà phải là cả một quá trình vài tháng, có khi đến cả năm.

+ Nhiệt miệng do mắc cài, vis ma sát vào niêm mạc miệng. Bạn nên dùng sáp nha khoa gắn vào mắc cài để giảm ma sát, tránh loét hay viêm niêm mạc.

+ Có một số trường hợp bác sĩ sẽ cắm vis và bạn cứ yên tâm vì khi vis rút ra thì nướu răng sẽ lành lặn. Bên cạnh đó, tùy trường hợp mà bác sĩ có thể gắn thêm vài phụ kiện linh tinh như vis, lò xo, loop, stop, thun mắc xích, thun liên hàm… 

- Trong quá trình điều trị, sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh như: cơn đau kéo dài hơn tuần lễ, đau đầu (cảm giác buốt óc), âm thanh "lục cục" khi nhai hay mở miệng... Nếu gặp bất cứ vấn đề gì thì bạn đừng ngần ngại đặt câu hỏi hay đem những thắc mắc của bạn đến bác sĩ.

- Nếu răng chạy quá nhanh hoặc quá chậm thì bạn hãy trao đổi với bác sĩ. Răng chạy nhanh chưa chắc đã tốt vì nhanh quá có thể gây tiêu xương, tụt lợi. Ở người trẻ thì răng thay đổi nhanh hơn so với những bệnh nhân lớn tuổi.

- Thời gian này, răng của bạn rất dễ bẩn, vì vậy chú ý vấn đề vệ sinh răng miệng với kem đánh răng và nước súc miệng chuyên dụng cho răng chỉnh nha, có thể sử dụng thêm một số dụng cụ để làm sạch răng như bàn chải kẽ, chỉ nha khoa, dụng cụ lấy cao răng, tăm nước… nhờ bác sĩ của bạn lấy cao răng thường xuyên và hướng dẫn cách vệ sinh răng đúng cách.

ortho kin cho răng niềng

- Cứ mỗi lần bác sĩ tác động lên răng của bệnh nhân, thường sẽ gặp những cơn đau như nói trên, việc nhai dĩ nhiên cũng bị ảnh hưởng đôi chút, vì vậy bác sĩ thường dặn bệnh nhân ăn đồ mềm, thực chất là để bạn đỡ đau thốn khi nhai. Dĩ nhiên, bạn cứ thoải mái ăn bất cứ những gì mình thích nếu cảm thấy nhai tốt. 

- Đừng kiêng cữ quá mức, cơ thể không đủ chất dinh dưỡng, sức đề kháng yếu khiến bạn dễ bệnh. Các bạn cũng nên có thói quen tập luyện hay chơi thể thao thường xuyên để cho cơ thể mình luôn khỏe mạnh nhé.

- Ảnh hưởng giao tiếp, làm mất tự tin: có nhiều loại mắc cài thẩm mỹ cho bạn lựa chọn. Thời gian gần đây việc chỉnh nha và niềng răng cũng là một xu hướng. Nó cho thấy rằng bạn đang ý thức và tự chăm sóc sức khỏe của mình. Đeo niềng có khi còn được nhiều người quan tâm hơn ấy chứ. Việc tự tin hay không tự tin là do chính bạn nghĩ thôi, không việc gì phải lo lắng cả. Chẳng ai chê bạn hay không dám nói chuyện với bạn chỉ vì bạn đang niềng răng cả, mọi thứ thường là do bản thân chúng ta suy nghĩ, nhiều người nổi tiếng họ vẫn đeo niềng đó thôi. Cố lên nào!!!

- Sau mỗi lần tái khám, bạn nên ngồi lại 5-10 phút để kiểm tra lại xem bác sĩ đã làm gì cho mình, dây cung có dài quá ko, mắc cài có cạ vào má không, há miệng lên xuống, nhai qua nhai lại… nếu có vấn đề thì bảo bác sĩ điều chỉnh ngay.

III - Sau khi tháo niềng

- Trong khoảng 6 tháng, bệnh nhân phải mang hàm duy trì suốt ngày để giữ cho răng thẳng hàng đều đặn như ý muốn.

- Sau 6 tháng, có thể chỉ mang hàm duy trì vào ban đêm. Mang hàm duy trì trong vòng 2 năm và có thể suốt đời nếu muốn giữ răng đẹp.

- Hàm duy trì loại tháo lắp phải lấy ra khi ăn.

- Vệ sinh hàm duy trì 2 lần/ngày với xà bông và bàn chải mềm.

ham duy tri sau niềng răng

- Sau khi tháo niềng nên duy trì thói quen khám răng định kỳ mỗi 6 tháng.

- Răng có thể di chuyển đôi chút. Nếu bận tâm, bạn có thể hẹn bác sĩ tái khám. 

- Nếu hàm duy trì bị mất hay gãy bể, hãy gọi hẹn phòng khám để làm cái mới, càng sớm càng tốt.

Bên trên là toàn bộ những lời khuyên dành cho bạn - những ai đã, đang và sẽ niềng răng. Niềng răng thật sự là một xu hướng chăm sóc sức khỏe và cải thiện nụ cười của giới trẻ hiện nay. Để có được một hàm răng chắc khỏe, thẳng thớm như ý, bạn hãy tìm hiểu thật nhiều thông tin về chỉnh nha nhé và quan trọng nhất là chăm sóc răng miệng đều đặn với các sản phẩm chăm sóc răng chỉnh nha. Để tìm hiểu thêm về các sản phẩm chăm sóc răng chỉnh nha, bạn đừng ngần ngại liên hệ KinCare với các thông tin bên dưới:

Website: www.kincare.vn

Hotline: 1900 6840 hoặc 0978 655 836

Facebook: https://www.facebook.com/KinCareVietnam/

 


Bài viết cũ Bài viết mới


0 bình luận

Bình luận

Chú ý , bình luận cần được duyệt trước khi đăng